Con trai làm Hoàng đế Uyển Trinh

Năm Đồng Trị thứ 14 (1875), Đồng Trị Đế băng hà, không con nối dõi. Từ An Thái hậu và Từ Hi Thái hậu ra chiếu chọn Tải Điềm vào cung kế vị, tức Thanh Đức Tông Quang Tự Đế. Theo đó, Quang Tự Đế mang danh nghĩa thừa tự Hàm Phong Đế, là em thừa tự của Đồng Trị Đế.

Sự lựa chọn này tương truyền do Từ Hi Thái hậu chủ trương, bản thân quyết định này cũng mang lại nhiều lợi thế cho Từ Hi Thái hậu: thứ nhất, Tái Điềm là cháu ruột của bà; thứ hai, Dịch Hoàn là một Hoàng tử không có nhiều thế lực; thứ ba, Tải Điềm còn rất nhỏ nên Thái hậu vẫn phải tiếp tục nhiếp chính cho Hoàng đế, như vậy sẽ dễ dàng thao túng về mặt chính trị. Trên thực tế, khi ấy bối tự chữ ["Phổ"] chỉ có một người mà còn quá nhỏ, không thể lấy làm con kế tự cho Đồng Trị Đế, do đó triều đình của hai vị Thái hậu mới chọn Tải Điềm, người có xuất thân gần hơn nữa đủ lớn mà cũng đủ nhỏ để hai vị Thái hậu tiện việc giáo dục. Thấy trước tương lai của Tân đế, Thuần Thân vương Dịch Hoàn từng khóc lóc tự hành hạ mình suốt mấy ngày. Thời gian này Uyển Trinh căng thẳng đến mức sinh con thứ ba bị chết yểu chỉ trong một ngày, không kịp đặt tên.

Năm Quang Tự thứ 6 (1880), Uyển Trinh lại sinh con trai thứ tư, đặt tên Tải Hoảng (載洸) nhưng cũng qua đời năm 4 tuổi. Kể từ đó bà không sinh thêm nữa. Trong thời gian này, dù là mẹ ruột của Hoàng đế nhưng bà vẫn rất giữ kẽ. Dù bà là ["Đế bổn sinh mẫu"], song thực thế về mặt pháp lý, Quang Tự Đế đã là con thừa tự của Hàm Phong Đế (chữ Hán gọi những vị này là Tự tử; 嗣子), do vậy dù Quang Tự Đế có là Hoàng đế đi nữa, vẫn không được phép gia tôn huy hiệu cho cha mẹ ruột.

Năm Quang Tự thứ 12 (1886), Từ Hi Thái hậu thưởng cho bà một chiếc kiệu "Hạnh hoàng kiệu" (杏黃轎) để đi lại trong Nội đình, nhưng bà vẫn không dùng[4][5].